Bệnh mạch vành là căn bệnh gây ảnh nghiêm trọng đến hoạt động co bóp của tim. Trên thực tế, người bệnh có thể gặp phải những triệu chứng khác nhau nhưng cũng có khi không hề có triệu chứng của bệnh. Chính vì thế việc phát hiện và điều trị muộn sẽ gặp khó khăn và nguy hiểm.
1. Vì sao mắc bệnh mạch vành?
Bệnh mạch vành là tình trạng thiếu máu đến cơ tim do động mạch nuôi dưỡng cơ tim bị thu hẹp hoặc nghẽn lại. Nguyên nhân chủ yếu là do xơ vữa mạch vành.
Sự tích tụ của cholesterol cùng với các chất dễ lắng đọng khác trong máu khiến cho các mảng xơ vữa hình thành nhanh chóng làm giảm thiết diện lòng mạch.
Ngoài ra, bệnh mạch vành có thể là do co thắt mạch vành; các bất thường bẩm sinh ở mạch vành, mạch máu như mắc lupus ban đỏ, bệnh viêm mạch máu…
Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh mạch vành: người trung và cao tuổi, những người thừa cân béo phì, lười vận động, thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu bia, có tiền sử mắc các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu…
Bệnh mạch vành làm cản trở quá trình cung cấp máu nuôi cơ tim.
2. Bệnh mạch vành biểu hiện như thế nào?
Tùy từng trường hợp, mà bệnh mạch vành có thể biểu hiện thành các triệu chứng rất đa dạng:
- Bệnh nhân cảm thấy nặng nề ở vùng ngực, đè nén ở tim.
- Có cảm giác tim bị bóp chặt.
- Thấy ngực đau âm ỉ, tê. Đau ran, nóng rát ở vùng ngực.
- Cảm thấy đầy bụng, khó tiêu.
- Có thể buồn nôn, choáng váng.
- Cơ thể vã mồ hôi.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp bệnh mạch vành ở giai đoạn đầu rất ít có biểu hiện thành triệu chứng vì khi đó, các mảng xơ vữa mới hình thành nên chưa gây cản trở nhiều dòng máu nuôi tim. Lúc đó, máu đủ để nuôi dưỡng cơ tim nên người bệnh vẫn sinh hoạt bình thường mà không có bất cứ triệu chứng nào của bệnh.
Đặc biệt là khi bệnh nhân bị bệnh mạch vành có kết hợp đái tháo đường, người lớn tuổi và phụ nữ mang thai thì dù tình trạng tắc nghẽn nặng cũng rất ít có triệu chứng đau ngực mà thường có những dấu hiệu khác. Chính vì thế việc chẩn đoán bệnh gặp rất nhiều khó khăn. Đa số các trường hợp mắc bệnh mạch vành thường được phát hiện muộn, và gây ra biến chứng suy tim với các triệu chứng điển hình rõ ràng.
Đau thắt ngực là biểu hiện của bệnh mạch vành.
3. Các triệu chứng dễ nhầm lẫn bệnh mạch vành cần phân biệt
Không chỉ có biểu hiện muộn, nhiều triệu chứng của bệnh mạch vành còn rất mơ hồ và dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác:
- Đau thắt ngực: là một triệu chứng được coi là điển hình nhất của bệnh. Cơn đau thường ở giữa ngực, sau xương ức với cảm giác đè nặng, bóp nghẹt và bỏng rát… nhưng cũng có thể nhẹ nhàng, thoáng qua rồi biến mất. Nhất là với các trường hợp đau thắt ngực ổn định, cơn đau chỉ xuất hiện khi gắng sức và giảm hoặc hết khi nghỉ ngơi khiến người bệnh chủ quan.
Nhiều trường hợp, người bệnh nhầm lẫn với các bệnh xương khớp, đau dây thần kinh vì cơn đau từ tim lan lên cổ, hàm, vai, cánh tay hoặc ra sau lưng.
Mặt khác, đau thắt ngực có thể còn là triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản, bệnh về phổi, đau dây thần kinh liên sườn, bệnh zona thần kinh…
- Đầy bụng, ợ nóng: Đây là biểu hiện của bệnh mạch vành rất dễ nhầm với bệnh dạ dày. Hiện tượng này thường gặp ngay sau các bữa ăn, khi ăn quá no hoặc ăn quá nhiều chất béo làm người bệnh nhầm lẫn với bệnh dạ dày hoặc các vấn đề khác của đường tiêu hóa.
Nguyên nhân thực sự dẫn đến tình trạng này là do lưu lượng máu qua động mạch vành bị giảm khiến lượng máu đến hệ tiêu hóa giảm theo và thức ăn không được hấp thu đúng cách, gây khó chịu.
- Mệt mỏi, choáng váng: uể oải, thiếu năng lượng có thể xảy ra thường xuyên ở những người mắc bệnh mạch vành. Tuy nhiên nhiều người bệnh chủ quan vì cho rằng đó chỉ là những mệt mỏi thông thường và có khi là dấu hiệu của bệnh tiền đình, thiếu máu não.
- Đổ mồ hôi: có thể nhầm với phản ứng do thay đổi thời tiết. Tuy nhiên nhiều người không biết rằng đây có thể là dấu hiệu bệnh mạch vành tim. Nếu bị đổ mồ hôi ngay cả khi thời tiết bình thường kèm theo đau thắt ngực, khó thở thì cần đặc biệt chú ý.
Đầy hơi, ợ nóng thường bị nhầm với bệnh đường tiêu hóa.
Ngay khi có các dấu hiệu đầu tiên của mạch vành cần theo dõi sức khỏe và đi khám ngay để được khám và điều trị đúng hướng tránh gặp phải các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Bệnh mạch vành thường không biểu hiện ở giai đoạn đầu vì vậy, cách phát hiện sớm bệnh chính là duy trì việc kiểm tra sức khỏe định kỳ.