Từ đầu năm đến nay, số người mắc, số người nhập viện vì các bệnh như sốt xuất huyết (SXH), tay, chân, miệng (TCM), sốt phát ban nghi sởi, sốt rét... đều giảm so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, mùa hè là thời điểm thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm phát triển dẫn đến nguy cơ lây lan, bùng phát dịch tại cộng đồng.
Số liệu thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho thấy: Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 24 nghìn trường hợp mắc SXH, trong đó bốn trường hợp chết tại các tỉnh Bình Ðịnh, Bình Phước, Cần Thơ và Tây Ninh. So với cùng kỳ năm 2019, số mắc giảm đến 55,4%. Bệnh TCM ghi nhận 4.655 trường hợp mắc tại 58 tỉnh, thành phố, trong đó 2.107 trường hợp nhập viện, không có ca chết; số mắc giảm 64%, số người nhập viện giảm 71,6%, so với cùng kỳ năm 2019. Bệnh sốt phát ban nghi sởi, ghi nhận 2.242 trường hợp sốt, trong đó 181 trường hợp dương tính. So với cùng kỳ năm 2019, số mắc giảm 88,7%, số trường hợp dương tính giảm 20,7 lần. Bệnh sốt rét ghi nhận 768 trường hợp mắc, trong đó 692 ca mắc ký sinh trùng sốt rét, có ba trường hợp sốt rét ác tính, không có trường hợp chết. Số mắc sốt rét giảm 47,1%, ký sinh trùng sốt rét giảm 44,7%, so với cùng kỳ năm 2019. Các bệnh truyền nhiễm khác không xuất hiện các ổ dịch lớn tại cộng đồng.
Theo Cục trưởng Y tế dự phòng Ðặng Quang Tấn, mặc dù hiện nay các dịch bệnh lưu hành như bệnh SXH, TCM, sởi... vẫn đang được kiểm soát chặt chẽ, số mắc giảm so với cùng kỳ năm 2019, nhưng tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực, số mắc và chết tiếp tục gia tăng. Trong khi đó, thời tiết khí hậu nước ta đang bước vào hè, là thời điểm thời tiết diễn biến phức tạp.
Ðể chủ động phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, thời gian qua, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo chính quyền các cấp, huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với ngành y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống, ngăn chặn hiệu quả sự bùng phát dịch bệnh TCM, SXH, sởi, cúm, tiêu chảy do vi-rút Rota, viêm não Nhật Bản, dại… và các dịch bệnh khác trên địa bàn. Sở Y tế các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, thực hiện cách ly, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch không để bùng phát dịch trong cộng đồng; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết. Tổ chức tốt việc thu dung điều trị người bệnh, lưu ý đối với các trường hợp nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp chết; thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị, nhất là lây nhiễm chéo giữa bệnh TCM với bệnh sởi, viêm phổi và viêm đường hô hấp khác…
Các đơn vị y tế cần chủ động chuẩn bị đủ kinh phí để bảo đảm nhu cầu về thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh; tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát phát hiện bệnh và điều trị ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho cán bộ y tế. Tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra và hỗ trợ các địa phương giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch bệnh và có biện pháp chỉ đạo kịp thời, phù hợp để khắc phục hạn chế của địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Ðối với các bệnh dịch có vắc-xin phòng bệnh như sởi, rubella, ho gà khẩn trương triển khai công tác tiêm chủng, rà soát đối tượng tiêm chủng. Bên cạnh tiêm chủng thường xuyên, cần tổ chức ngay các chiến dịch tiêm phòng sởi, rubella, ho gà cho các đối tượng chưa tiêm hoặc hoãn tiêm, bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt ít nhất 95% theo quy mô xã, phường...
Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khỏe, tổ chức các chiến dịch tuyên truyền vệ sinh cá nhân và vệ sinh nơi sinh hoạt; thực hiện ba sạch: ăn uống sạch, ở sạch và chơi đồ chơi sạch; thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh ăn uống, ăn chín uống chín; huy động người dân tham gia tích cực chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy tại hộ gia đình, trên địa bàn mình sinh sống và thực hiện tốt các nội dung khuyến cáo của ngành y tế đưa ra. Phát hiện, xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm, không hợp tác trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Ðồng thời, tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhất là các cơ sở sản xuất thực phẩm ăn ngay, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể, các cơ sở kinh doanh nước giải khát, kem, bia, thức ăn đường phố... để phòng ngừa một số bệnh lây truyền qua thực phẩm...