Theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, lũy tích từ đầu năm 2018 đến ngày 6/6, cả nước ghi nhận hơn 20.500 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 4 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết tại các tỉnh: Bình Dương, Bình Phước, Cà Mau và Khánh Hòa. So với cùng kỳ năm 2017, số mắc giảm 41,4%, số tử vong giảm 8 trường hợp.
Mặc dù số trường hợp mắc sốt xuất huyết trong các tháng đầu năm giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2017, tuy nhiên, hiện nay khu vực miền Nam, miền Trung, Tây nguyên đang bắt đầu vào mùa mưa và khu vực miền Bắc bước vào mùa hè, đây là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sản và phát triển mạnh. Vì vậy, các địa phương cần tích cực, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.
Phun thuốc diệt muỗi phòng chống dịch sốt xuất huyết. (ảnh sưu tầm)
Theo Cục Y tế Dự phòng, ngay từ đầu năm, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị với 63 tỉnh, thành phố và các bộ, ngành nhằm triển khai và tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết năm 2018. Xây dựng tài liệu hướng dẫn phòng chống sốt xuất huyết tại cộng đồng dành cho cán bộ y tế cơ sở. Đồng thời, hướng dẫn các địa phương tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết 15/6. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại 16 tỉnh, thành phố trọng điểm về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết.
Đối với người dân, Bộ Y tế khuyến cáo, biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết hiệu quả nhất vẫn là diệt muỗi, diệt bọ gậy và phòng chống muỗi đốt. Vì vậy, người dân cần đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thường xuyên loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp xe cũ, hốc tre, bẹ lá...; tìm và diệt bọ gậy hàng tuần; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Đồng thời, tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Nguồn Nhã Khanh