Tìm kiếm từ khóa thải độc sẽ cho ra rất nhiều kết quả và nhiều phương pháp thải độc khác nhau. Tuy nhiên, các bác sĩ cảnh báo phương pháp thụt rửa đại tràng có thể gây những hậu quả nặng nề với sức khỏe, đã có trường hợp viêm nhiễm, nứt và thủng đại tràng…
1. Muôn hình vạn trạng 'thải độc'
Ngày càng nhiều người có xu hướng tìm đến các phương pháp thải độc, người thì thải độc da, người thì thải độc tiêu hóa, trong đó thụt rửa đại tràng được tìm kiếm và chia sẻ rất nhiều trên các trang mạng xã hội.
Có người chia sẻ thông tin phương pháp thụt tháo đại tràng đã có từ 2000 năm trước, lúc đó người cổ xưa dùng nước suối được làm ấm bằng ánh nắng và đựng trong trái bầu rỗng ruột rồi treo lên cây, nối một sợi dây vào quả bầu rỗng ruột như một cái ống hút còn đầu kia cắm vào hậu môn. Nước suối ấm từ trái bầu sẽ truyền nhẹ nhàng vào hậu môn thông qua cái ống bầu dài.
Còn ngày nay thì đơn giản hơn rất nhiều chỉ cần mua một bộ dụng cụ thụt tháo đại tràng với một số vật dụng cần thiết khác trong đó có baking soda, cà phê hữu cơ…
Có một số cách phổ biến được chia sẻ để thải độc trên mạng xã hội như sau:
Làm sạch ruột già, còn được gọi là “tưới rửa ruột kết”: Một lượng lớn nước và các chất khác, chẳng hạn như cà phê hoặc thảo mộc, được đẩy qua đại tràng qua một ống đặt vào trực tràng.
Chế độ ăn kiêng giải độc: với những cái tên như “siêu làm sạch”, “làm sạch toàn thân cấp tốc” và “làm sạch chống oxy hóa”. Đây là những chế độ ăn kiêng cụ thể, thường hạn chế kéo dài vài ngày đến một tháng và bao gồm phần lớn là rau, nước ép trái cây và gia vị.
Nhịn ăn định kỳ: để thoát khỏi chế độ ăn kiêng thông thường và có khả năng gây hại, được cho là bao gồm một loạt chất độc, hóa chất tổng hợp và các chất độc khác trong quá trình ăn uống thông thường. Nhịn ăn thường là một phần của chế độ ăn kiêng giải độc.
2. Chuyên gia cảnh báo về cách thải độc bằng thụt rửa đại tràng
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Long, chuyên gia phẫu thuật các bệnh lý về tiêu hoá, gan mật, nguyên Trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu, BV Hữu Nghị Việt Đức: Hiện nay trên các trang mạng và một số "thầy lang" tuyên truyền về hiệu quả của phương pháp thụt rửa đại tràng cũng như dạy cách tự thụt rửa để thải độc cơ thể. Phương pháp này còn được giới thiệu là giúp phòng tránh nguy cơ ung thư đại tràng. Tuy nhiên chưa có một nghiên cứu khoa học nào chứng minh tác dụng của phương pháp này.
PGS. Nguyễn Thanh Long, gần đây một số bệnh viện đã tiếp nhận một số trường hợp biến chứng do thụt rửa đại tràng như viêm nhiễm, nứt và thủng đại tràng… Mới đây nhất, ngày 10/6/2023, PGS. Nguyễn Thanh Long đã thăm khám và điều trị cho một bệnh nhân đau bụng, sốt cao sau khi tự thụt đại tràng tại nhà. Qua thăm khám và chụp CT phát hiện một ổ áp xe lớn trong ổ bụng do thủng trực tràng, bệnh nhân đã được mổ cắt đại tràng và làm hậu môn nhân tạo với hậu phẫu khá nặng nề vì tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc.
PGS. Nguyễn Thanh Long lưu ý mọi người hãy tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin trên mạng chưa được kiểm chứng.
Thụt rửa đại tràng là một thủ thuật y tế và chỉ được chỉ định trong một số trường hợp như người bị táo bón trong một thời gian dài hoặc trong các trường hợp như trước khi làm phẫu thuật ổ bụng, nhất là khi phẫu thuật đại tràng; Thực hiện phương pháp nội soi để phát hiện, tìm kiếm các tổn thương ở ổ bụng, trực tràng, đại tràng; Trước chụp ổ bụng hoặc chụp X-quang đại tràng bơm thuốc cản quang; Phụ nữ mang thai trước lúc lên bàn sinh…
Thủ thuật này chống chỉ định với các trường hợp như: viêm ruột thừa; tắc xoắn ruột; bệnh thương hàn; người có tổn thương ở trực tràng, hậu môn; viêm ruột hoại tử.
Các chuyên gia y tế cho biết tốt nhất không nên tự thụt tháo đại tràng tại nhà, nếu trong những trường hợp cần thiết thì phải được sự hướng dẫn và giám sát của nhân viên y tế.
3. Một số loại thực phẩm có lợi cho đường ruột
Nước: Không thể có một đại tràng khỏe mạnh nếu không có nước. Chất xơ hấp thụ nước và táo bón có thể xảy ra nếu chất xơ được tiêu thụ mà không có đủ nước. Uống nhiều nước sẽ giúp di chuyển phần lớn chất xơ đã tạo ra trong ruột để làm sạch ruột già và loại bỏ độc tố và chất thải.
Táo: Táo rất giàu chất xơ và thúc đẩy quá trình tiêu hóa khỏe mạnh. Táo cũng chứa pectin hỗ trợ loại bỏ độc tố và xây dựng thành ruột khỏe mạnh hơn.
Bơ: Loại quả này có cả chất xơ hòa tan và không hòa tan. Các chất xơ hòa tan thúc đẩy nhu động ruột và ngăn ngừa tích tụ độc tố. Chất xơ không hòa tan làm sạch đại trực tràng.
Bông cải xanh: Loại rau họ cải này chứa chất chống oxy hóa giúp bảo vệ tế bào khỏi ung thư. Chất xơ hòa tan trong bông cải xanh thúc đẩy vi khuẩn lành mạnh trong ruột.
Rau chân vịt (rau bina): Loại lá xanh đậm này là một trong những nguồn cung cấp vitamin A tốt nhất và cung cấp thức ăn thô để giữ cho ruột thông thoáng và giúp quá trình tiêu hóa diễn ra suôn sẻ.
Chanh vàng: Tất cả các loại trái cây họ cam quýt được biết đến là chất làm sạch ruột tốt, nhưng chanh đặc biệt tốt trong việc giải độc. Chúng hoạt động như một chất khử trùng để giảm chất thải tích tụ và cản trở sự phát triển của các vi sinh vật có hại.
Tỏi: Tỏi được biết đến để bảo vệ chống lại virus, ký sinh trùng và vi khuẩn và giúp loại bỏ mầm bệnh từ đại trực tràng.