Thông qua Nghị quyết huy động nguồn lực phòng, chống COVID-19, thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng

Chiều 24/6, với đại đa số ĐBQH có mặt tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết "Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng".

Chiều 24/6, với đại đa số ĐBQH có mặt tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết "Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng".

Trước khi các ĐBQH biểu quyết thông qua Nghị quyết, Quốc hội nghe Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề.

Về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19: Một số ý kiến ĐBQH và ý kiến của Chính phủ đề nghị đánh giá rõ hơn kết quả công tác ngoại giao vaccine, việc thành lập Quỹ vaccine và Chiến dịch tiêm chủng vaccine toàn quốc đã góp phần quan trọng trong việc kiểm soát thành công đại dịch.

Tiếp thu ý kiến của ĐBQH và Chính phủ, UBTVQH đã chỉnh lý: "…kết quả huy động, quản lý và sử dụng tổng hợp các nguồn lực cùng với thành công của ngoại giao vaccine, thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19 và triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trên cả nước đã góp phần quan trọng, có tính chất quyết định, xoay chuyển tình thế, kiểm soát thành công đại dịch, phục hồi và phát triển KT-XH của đất nước".

Có ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung tại dự thảo Nghị quyết quy định vinh danh, động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân đã tận tụy, tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch.

Thông qua Nghị quyết huy động nguồn lực phòng, chống COVID-19, thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết.

Tiếp thu ý kiến, UBTVQH đã bổ sung quy định giao Chính phủ "Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, tổng hợp, khen thưởng kịp thời tổ chức, cá nhân, nhất là lực lượng tuyến đầu chống dịch có thành tích trong công tác phòng, chống dịch COVID-19" tại điểm h khoản 1 Điều 3 của dự thảo Nghị quyết.

Có ý kiến đề nghị sửa lại khoản 2 Điều 2 như sau: "Khẩn trương rà soát, tổng hợp, phân loại và ban hành các văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền để xử lý dứt điểm các tồn đọng, vướng mắc trong quản lý, sử dụng và thanh, quyết toán các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19" và sửa lại điểm c khoản 1 Điều 3 như sau: "Chỉ đạo các Bộ, ngành ban hành văn bản hướng dẫn việc thanh toán, quyết toán các khoản huy động, thu, chi, đóng góp ngoài ngân sách nhà nước cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; các địa phương phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tiến hành rà soát và thực hiện quyết toán kinh phí chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 từ các nguồn huy động, đóng góp ngoài ngân sách nhà nước. Tổng hợp, báo cáo Quốc hội kết quả huy động, sử dụng và thanh, quyết toán tổng thể nguồn lực chi cho phòng, chống dịch COVID-19 của giai đoạn 2020-2022, bao gồm cả nguồn ngân sách nhà nước và nguồn ngoài ngân sách nhà nước tại kỳ họp thứ 7."

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉnh lý và thể hiện như dự thảo Nghị quyết.

Về thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng: Đa số ý kiến ĐBQH nhất trí với quy định về thực hiện thống nhất trung tâm y tế cấp huyện trực thuộc UBND cấp huyện; một số ý kiến cho rằng nội dung này thuộc thẩm quyền của Chính phủ, đề nghị giữ mô hình trung tâm y tế huyện trực thuộc Sở Y tế; đánh giá kỹ lưỡng từng mô hình và cần nghiên cứu việc sắp xếp gắn với tổng thể tổ chức bộ máy ngành y tế trước khi quyết định thực hiện thống nhất.

Về vấn đề này, UBTVQH cho rằng, quy định như dự thảo là phù hợp với nội dung đã nêu tại Nghị quyết số 41/2021/QH15 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XV; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất với Dự thảo và đề nghị cần quy định rõ nội dung này ngay tại Nghị quyết của Quốc hội để có cơ sở thực hiện; Để đảm bảo tính khả thi và có thời gian chuẩn bị, dự thảo Nghị quyết giao Chính phủ có lộ trình và hoàn thành trước ngày 01/7/2025.

Thông qua Nghị quyết huy động nguồn lực phòng, chống COVID-19, thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng - Ảnh 2.

Các ĐBQH tham dự Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến của ĐBQH và Chính phủ, khoản 8 Điều 2 của dự thảo Nghị quyết đã được chỉnh sửa để thể hiện rõ yêu cầu đảm bảo phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa quản lý toàn diện của chính quyền địa phương với quản lý chuyên môn, nghiệp vụ của ngành y tế nhằm thực hiện tốt nhất mục tiêu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Hầu hết ý kiến ĐBQH nhất trí với quy định cụ thể tỷ lệ dành 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng và đề nghị có hướng dẫn cụ thể hơn về việc chi cho y tế dự phòng để thực hiện thống nhất; có ý kiến đề nghị không quy định cụ thể tỷ lệ mà chỉ quy định đảm bảo ngân sách cho công tác này.

UBTVQH thấy rằng, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và Nghị quyết số 18/2008/QH12 ngày 03/6/2008 của Quốc hội khóa XII về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân đã xác định "dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho công tác y tế dự phòng".

Kết quả giám sát cho thấy, bên cạnh những địa phương đã thực hiện đúng thì vẫn còn có một số địa phương chưa thực hiện đúng với lý do thiếu hướng dẫn cụ thể. Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Nghị quyết đã giao Chính phủ hướng dẫn về phạm vi chi, nội dung chi để bảo đảm dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng tại khoản 9 Điều 2 của dự thảo Nghị quyết. Quy định như vậy sẽ tạo cơ sở để thực hiện thống nhất trong cả nước, nhất quán với các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội.

Tác giả: Lê Bảo
Nguồn:Sức Khỏe Đời Sống
LIÊN KẾT WEBSITE
TIN ĐỌC NHIỀU