Tắm khoáng nóng, ai không nên thực hiện?

Mặc dù nhiều người đã biết về công dụng trị liệu và từng tắm khoáng nóng tại các khu nghỉ dưỡng, resort. Tuy nhiên, có một số trường hợp không nên tắm khoáng nóng...

Mặc dù nhiều người đã biết về công dụng trị liệu và từng tắm khoáng nóng tại các khu nghỉ dưỡng, resort. Tuy nhiên, có một số trường hợp không nên tắm khoáng nóng...

1. Vì sao tắm khoáng nóng có lợi cho sức khỏe?

Tắm khoáng nóng mang lại nhiều lợi ích đáng kể, giúp tăng cường sức khỏe, hỗ trợ chữa nhiều bệnh mạn tính.

Đặc biệt là các bệnh thuộc hệ thống cơ khớp, thần kinh, rối loạn tuần hoàn dinh dưỡng, hồi phục sức khỏe trong thời gian dưỡng bệnh, các bệnh phải bất động lâu ngày.

Tắm khoáng nóng được sử dụng trong phòng và điều trị bệnh dựa trên cơ sở khoa học của ba yếu tố là tác dụng của nước (thủy trị liệu), tác dụng của nhiệt độ nước (nhiệt trị liệu), tác dụng của khoáng chất (khoáng trị liệu).

Thủy trị liệu

Đây là liệu pháp điều trị bằng nước có tác dụng tạo thuận lợi cho cử động khớp, làm giảm cường độ co cơ cần thiết, tăng cường lưu thông máu, làm thuận lợi cho hồi lưu máu từ hệ tĩnh mạch về tim, điều hòa hô hấp, kích thích hoạt động của hệ tiêu hóa giúp ăn ngon miệng. Ngoài ra, thủy trị liệu giúp thư giãn, giảm stress, dễ đi vào giấc ngủ và ngủ sâu.

Nhiệt trị liệu

Nhiệt từ suối khoáng nóng làm giãn nở các mao mạch, tăng lưu thông máu, tăng quá trình trao đổi chất, dinh dưỡng của các cơ quan, thúc đẩy quá trình tái tạo tổ chức, giảm viêm, giảm đau.

Khoáng trị liệu trong tắm khoáng nóng

Suối khoáng nóng cung cấp cho cơ thể một số khoáng chất cần thiết. Các nguồn nước khoáng ở các vùng địa lý khác nhau có các thành phần khoáng chất khác nhau. Nước khoáng chứa nhiều lưu huỳnh có tác dụng tốt với bệnh ngoài da.

Nước khoáng chứa nhiều bicarbonat có tác dụng tốt với người bị bệnh hô hấp mạn tính như hen, tâm phế mạn, người bị bệnh gout, đái tháo đường, khớp mạn tính.

Tắm khoáng nóng, ai không nên thực hiện? - Ảnh 2.

Tắm khoáng nóng có tác dụng tốt với sức khỏe dựa trên thủy trị liệu, nhiệt trị liệu và khoáng trị liệu.

2. Trường hợp nào không nên tắm khoáng nóng

Mặc dù tắm khoáng nóng có nhiều công dụng với sức khỏe, nhưng những trường hợp sau đây không nên thực hiện, bao gồm:

  • Người bệnh suy tim, suy gan, suy thận nặng.
  • Người bệnh tăng huyết áp mà huyết áp chưa kiểm soát tốt.
  • Người bệnh động kinh, rối loạn tâm thần.
  • Người đang sốt hoặc có nhiễm khuẩn cấp tính.
  • Các bệnh khớp đang trong giai đoạn tiến triển cấp tính có sưng, nóng, đỏ khớp.
  • Người bị bệnh lao đang tiến triển.
  • Người bị đột quỵ não mới, hoặc nhồi máu cơ tim (3 tháng đầu).
  • Người có các vết thương, vết loét chưa liền.
  • Người bị giảm hoặc mất cảm giác nhiệt độ.

photo-1689743952038

Các trường hợp viêm khớp cấp tính không nên tắm khoáng nóng.

3. Cách tắm khoáng nóng đúng cách

Trước khi tắm khoáng nóng, người dùng cần cởi bỏ trang phục, mặc quần áo tắm thoải mái, tắm tráng để loại bỏ mồ hôi cơ thể.

Không nên xuống hồ bơi luôn, mà xối nước lên người, bụng để giúp cơ thể khởi động với nguồn nước ấm. Sau đó, ngâm tay và chân rồi dần dần chìm cơ thể xuống nước khoáng nóng để cơ thể thích nghi dần với nhiệt độ, tránh tình trạng sốc nhiệt.

Khi ngâm mình trong nguồn nước khoáng cần thả lỏng cơ thể, thư giãn hoàn toàn, không nên suy nghĩ về công việc. Trong quá trình tắm khoáng nóng, người dùng có thể kết hợp với massage nhẹ để giúp tuần hoàn máu tốt hơn.

Sau khi tắm khoáng xong, lau khô người bằng khăn khô, thay quần áo khô sạch.

photo-1689743953668

Nên ngâm tay, chân vào nước khoáng nóng trước khi tắm để cơ thể thích nghi với nhiệt độ của nước.

Lưu ý khi tắm khoáng nóng

Thời gian tắm tuỳ theo nhiệt độ của suối nước. Nếu ở khoảng 43oC - 45oC thì thời gian tắm là 5 - 10 phút/lần, nếu nhiệt độ dưới 40oC thì 20 - 30 phút/lần.

Tắm ngâm nóng thời gian lâu gây giãn mạch toàn thân có thể dẫn đến tụt huyết áp. Hơn nữa, việc ngâm nước nóng quá lâu gây ra tình trạng say nóng, trụy tim mạch, có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Không nên tắm khoáng nóng thường xuyên do sẽ làm da bị mất nước, dẫn đến tình trạng da thô ráp và nhanh lão hóa.

Tác giả: ThS.BS. Phạm Đức Thắng
Nguồn:Đại học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh
LIÊN KẾT WEBSITE
TIN ĐỌC NHIỀU