Nhận biết nguyên nhân và đề phòng bệnh á sừng tái phát

Á sừng là một bệnh da liễu thuộc nhóm viêm da cơ địa dị ứng. Bệnh có thể xuất hiện ở nhiều vị trí trên cơ thể nhưng phổ biến là ở tay, chân. Bệnh không quá nguy hiểm nhưng gây khó chịu và ảnh hưởng thẩm mỹ cho người bệnh.

Á sừng là một bệnh da liễu thuộc nhóm viêm da cơ địa dị ứng. Bệnh có thể xuất hiện ở nhiều vị trí trên cơ thể nhưng phổ biến là ở tay, chân. Bệnh không quá nguy hiểm nhưng gây khó chịu và ảnh hưởng thẩm mỹ cho người bệnh.

1. Bệnh á sừng là gì?

Bệnh á sừng là một bệnh về da rất thường gặp và rất dễ bị nhầm lẫn. Đa số, người bệnh sẽ xuất hiện các dấu hiệu: nứt nẻ da ở phần rìa, vùng da tay, da chân xù xì bong tróc, sưng đỏ... Đặc biệt khi nhiệt độ xuống thấp, bệnh sẽ có dấu hiệu bị viêm loét gây rướm máu làm người bệnh đau đớn và gây khó khăn trong sinh hoạt, đi lại. Vì vậy khi có những dấu hiệu của bệnh người bệnh nên điều trị triệt để tránh để bệnh diễn biến nặng.

Bệnh á sừng thường tái phát liên tục theo một chu kỳ nên khó điều trị dứt điểm. Tình trạng này xuất phát do bệnh viêm da tiếp xúc dị ứng hoặc da bị kích ứng khi tiếp xúc với các hóa chất: xà phòng, thuốc tẩy… làm bệnh diễn biến nặng hơn.

photo-1667375743306

Tổn thương bong tróc da trên tay của bệnh nhân á sừng

2. Nguyên nhân gây bệnh á sừng

  • Yếu tố di truyền: Tỷ lệ này chiếm đến 45%, hầu hết những người bị á sừng đều do trong gen có yếu tố bệnh bẩm sinh.
  • Thiếu hụt các loại vitamin cần thiết cho da: vitamin A, C, D, E… khiến da bị suy yếu dẫn đến á sừng.
  • Rối loạn nội tiết tố: chủ yếu xảy ra ở nữ giới đang mang thai hoặc sau sinh con. Do phụ nữ khi mang thai nồng độ hormone tăng đột ngột, sau đó sau sinh sẽ giảm khiến làn da bị ảnh hưởng và tăng nguy cơ mắc bệnh vảy nến và á sừng.
  • Miễn dịch suy yếu: Người có miễn dịch suy giảm sẽ dễ bị tác động bởi những tác nhân từ môi trường: lông thú nuôi, phấn hoa, nguồn nước bị ô nhiễm….là căn nguyên của nhiều bệnh da liễu: vảy nến á sừng, viêm da, hắc lào…
  • Thời tiết thay đổi: Những người có cơ địa mẫn cảm khi gặp thời tiết thay đổi thất thường khiến cơ thể và làn da chưa thích ứng dẫn đến mất nước và tăng nguy cơ gây bệnh.
  • Tiếp xúc nhiều với hóa chất độc hại: Những người thường xuyên phải tiếp xúc với các loại hóa chất: rửa chén, xà phòng, chất tẩy rửa, thuốc nhuộm… dễ bị mắc bệnh á sừng.
 

3. Triệu chứng của bệnh á sừng

  • Làn da trở nên dày, chai sần và có hiện tượng lan rộng ra những vùng da khác.
  • Xuất hiện mụn nước gây ngứa đặc biệt vào mùa hè.
  • Trên móng có những lỗ nhỏ li ti và chuyển thành màu vàng, có thể tách ra khỏi nền móng.
  • Da nứt nẻ càng lúc càng sâu tạo các rãnh lớn và làm chảy máu gây đau.
  • Tổn thương thường xuất hiện ở đầu ngón tay, kẽ tay, lòng bàn tay và tương tự với bàn chân.
  • Có khả năng nhiễm nấm, vi khuẩn ở các vùng da bị tổn thương.
  • Nếu da bị á sừng mà tiếp xúc với các loại hóa chất tẩy rửa, nước bẩn... thì tình trạng bệnh sẽ biến chuyển nặng hơn.
 

4. Điều trị bệnh á sừng nhằm tránh tái phát

Nhận biết nguyên nhân và đề phòng bệnh á sừng tái phát - Ảnh 4.

Nên bổ sung rau quả để phòng bệnh

Để chữa bệnh á sừng hiệu quả và ngăn ngừa tình trạng tái phát, bác sĩ cần xác định rõ nguyên nhân gây bệnh. Dựa trên những triệu chứng lâm sàng và thể trạng bệnh nhân, bác sĩ sẽ đưa ra những chẩn đoán và cách chữa bệnh phù hợp.

  • Điều trị phổ biến nhất vẫn là sử dụng thuốc dạng kem để bôi lên những vùng da bị bệnh. Các loại thuốc này có hai tác dụng: Dưỡng ẩm làm mềm da nhằm hạn chế tình trạng căng da gây nứt nẻ, chảy máu và làm bong lớp da sừng trên bề mặt da.
  • Bác sĩ sẽ chỉ định thêm một số loại thuốc để ngăn chặn tình trạng viêm nhiễm: dẫn xuất Imidazol, Griseofulvin, mỡ Nizoral... Với trường hợp nặng hơn, bệnh nhân sẽ được chỉ định sử dụng corticoid hoặc thuốc kháng histamin. Ngoài ra, có thể thực hiện một số biện pháp nhằm kiểm soát tình trạng bệnh:
  • Tuyệt đối không chà xát mạnh, không bóc vảy da vùng da bị tổn thương vì sẽ càng làm cho tình trạng tổn thương nặng hơn.
  • Không tiếp xúc với các chất tẩy rửa, hóa chất, xăng dầu... Hạn chế lau rửa, giặt giũ. Tránh tiếp xúc với gia vị: ớt, muối khi nấu ăn. Nên mang găng tay bảo vệ khi cần làm.
  • Dưỡng ẩm da bằng kem dưỡng.
  • Không nên ăn các loại thức ăn dễ gây dị ứng: tôm, cua, ghẹ...
  • Tăng cường bổ sung vitamin C, D, E bằng cách ăn rau quả tươi, rau xanh, các loại đậu, rau ngót, cam, bưởi, cà rốt...
  • Nên thay đổi môi trường sống nếu thường xuyên tiếp xúc với hóa chất.
  • Giữ vệ sinh sạch sẽ, cắt móng tay, chân.
  • Tuyệt đối không gãi làm tổn thương tế bào da khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập da.
Tác giả: Nguyễn Văn Hưng
Nguồn:suckhoedoisong.vn
LIÊN KẾT WEBSITE
TIN ĐỌC NHIỀU