Điều trị biến chứng võng mạc do đái tháo đường

Đái tháo đường có thể gây ra sự thay đổi ở động mạch và tĩnh mạch. Những thay đổi này ảnh hưởng đến thị lực bằng những tổn thương trên các mạch máu trong mắt và gây bệnh võng mạc do đái tháo đường.

Đái tháo đường có thể gây ra sự thay đổi ở động mạch và tĩnh mạch. Những thay đổi này ảnh hưởng đến thị lực bằng những tổn thương trên các mạch máu trong mắt và gây bệnh võng mạc do đái tháo đường.

1. Những nguy cơ khiến võng mạc bị tổn thương do đái tháo đường

Bệnh lý võng mạc nền là giai đoạn đầu của bệnh lý võng mạc đái tháo đường. Trong giai đoạn này, dịch rò rỉ làm cho võng mạc bị tổn thương, phù nề hoặc lắng đọng được gọi là xuất tiết.

Bệnh lý võng mạc tiền tăng sinh biểu hiện những thay đổi xuất hiện khi mạch máu bất thường bắt đầu tiến triển trên bề mặt võng mạc. Mạch máu tiến triển bất thường này gọi là tân mạch hóa. Thành các mạch máu mới này thường yếu và có thể dễ vỡ và xuất huyết.

Máu rò rỉ có thể gây xuất huyết vào pha lê thể (dạng chất nhầy trong ở trung tâm của nhãn cầu). Tổn thương có thể làm những hình ảnh đưa từ võng mạc đến não không rõ nét.

Điều trị biến chứng võng mạc do đái tháo đường - Ảnh 1.

Các tổn thương do bệnh lý võng mạc đái tháo đường.

Bệnh lý võng mạc đái tháo đường đang là nguyên nhân gây mù mắt hàng đầu ở người lớn. Khoảng 80% bệnh nhân đái tháo đường trên 15 năm có tổn thương mạch máu võng mạc. Bệnh lý võng mạc đái tháo đường tiền tăng sinh là dạng trầm trọng nhất của bệnh lý võng mạc tiểu đường, ảnh hưởng lên 20% bệnh nhân đái tháo đường.

Những mạch máu bất thường này có thể làm tổn thương mô tiến triển kéo võng mạch ra khỏi phía sau của mắt gây tách lớp võng mạc. Nếu không điều trị, bong võng mạc có thể làm mất thị lực trầm trọng.

2. Điều trị bệnh võng mạc do đái tháo đường bằng cách nào?

Phát hiện sớm và điều trị để kiểm soát đường huyết ở vùng an toàn có thể làm giảm nguy cơ xuất hiện và tiến triển của bệnh võng mạc đái tháo đường.

Đối với điều trị bệnh lý võng mạc đái tháo đường, tùy từng giai đoạn tiến triển và tùy từng bệnh sẽ có phác đồ điều trị khác nhau.

- Với bệnh võng mạc không tăng sinh nhẹ thì không cần điều trị trực tiếp mà chỉ cần điều trị các yếu tố nguy cơ phối hợp làm bệnh nặng hơn. Điều quan trọng là kiểm soát tốt đường huyết và khám mắt thường xuyên để phát hiện sớm khả năng bệnh tiến triển đến giai đoạn nặng hơn (mỗi 6-12 tháng). Kiểm soát tích cực huyết áp làm giảm nguy cơ bị phù hoàng điểm; điều trị rối loạn lipid máu...

Người bệnh cần tuân thủ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để kiểm soát tốt các tình trang này.

- Bệnh võng mạc không tăng sinh vừa cũng điều trị tương đương bệnh võng mạc không tăng sinh nhẹ nhưng cần được khám mắt thường xuyên hơn (mỗi 3-6 tháng).

Điều trị biến chứng võng mạc do đái tháo đường - Ảnh 2.

Cần kiểm tra mắt định kỳ.

- Bệnh võng mạc không tăng sinh nặng được điều trị quang đông toàn bộ võng mạc. Tuy nhiên nếu kiểm soát đường huyết về bình thường nhanh trước khi điều trị laser có thể làm tăng nguy cơ giảm thị lực.

- Bệnh võng mạc tăng sinh cần điều trị quang đông toàn bộ tạo ra khoảng 1500 vết bỏng laser nhỏ ở toàn bộ võng mạc nhưng phải tránh hoàng điểm. Laser có thể làm ngừng phát triển các tân mạch và làm thoái triển các mạch này, nhờ đó sẽ làm hạn chế các biến chứng của tân mạch. Phương pháp điều trị này ngăn ngừa mù nhưng thường không cải thiện ngay mức thị lực đã bị giảm.

Lưu ý, khi kiểm soát đường huyết về bình thường nhanh trước khi điều trị laser có thể làm tăng nguy cơ giảm thị lực.

- Phù hoàng điểm cũng được điều trị quang đông ổ bằng laser argon nhằm mục đích cải thiện thị lực. Trước đó cần chụp mạch bằng fluorescein để phát hiện các mạch máu bị xuất tiết và các vi phình mạch gây phù vùng võng mạc quanh hoàng điểm. Điều trị quang đông ổ bằng laser làm giảm tỷ lệ mất thị lực do phù hoàng điểm tới xấp xỉ 50%.

- Cắt dịch kính được chỉ định trong trường hợp bệnh võng mạc tăng sinh nặng có xuất huyết các tân mạch gây đục dịch kính hoặc có bong võng mạc.

Thủ thuật cắt dịch kính sẽ cho phép thay thế dịch kính có lẫn máu bằng dung dịch trong suốt, cắt bỏ các bè xơ và đôi khi sửa chữa võng mạc bị bong. Vì cắt dịch kính thường được chỉ định cho các bệnh nhân có bệnh võng mạc tăng sinh nặng nên thị lực chỉ cải thiện vừa phải, rất khó trở về bình thường được.

Do một số trường hợp xuất huyết dịch kính có thể tự điều chỉnh sau một thời gian nên thủ thuật cắt dịch kính cũng cần được cân nhắc. Với các trường hợp bong võng mạc nặng có ảnh hưởng đến hoàng điểm thì cần được bác sĩ chuyên khoa mắt phẫu thuật cắt dịch kính ngay.

Việc điều trị quang đông bằng laser cho bệnh nhân bị bệnh võng mạc đái tháo đường có tác dụng tốt làm chậm tiến triển của bệnh và ngăn ngừa mất thị lực. Tuy nhiên, trong thực tế phương pháp điều trị này thường ít kết quả do triệu chứng của bệnh võng mạc đái tháo đường thường rất nghèo nàn và bệnh được phát hiện muộn. Do vậy, phát hiện sớm được biến chứng võng mạc qua khám mắt định kỳ có ‏‎‏ý nghĩa quyết định phòng ngừa biến chứng này.

Tác giả: BS.CKII. Lê Hồng Hà
Nguồn:suckhoedoisong.vn
LIÊN KẾT WEBSITE
TIN ĐỌC NHIỀU