Bệnh gan nhiễm mỡ gây tổn thương gan, có nguy cơ đe dọa đến sức khỏe của người bệnh nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Tuy nhiên, điều chỉnh chế độ ăn cho bệnh nhân gan nhiễm mỡ có thể hạn chế những nguy cơ trở nặng và biến chứng nguy hiểm.
Thể trạng gầy, không uống bia rượu vẫn bị gan nhiễm mỡ do rối loạn chuyển hóa
Ông Phạm Văn Thắng, 62 tuổi (ở Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội) rất bất ngờ khi con trai đưa đi khám tổng quát được bác sĩ chẩn đoán bị gan nhiễm mỡ. Trong khi đó nhìn ông khá gầy, lại không hay uống rượu bia và ông cũng không có biểu hiện đau hay khó chịu gì, chỉ thỉnh thoảng bị đầy bụng, khó tiêu, ông lại nghĩ do bệnh dạ dày tái phát. Bác sĩ khám cho ông giải thích rằng ông bị gan nhiễm mỡ do rối loạn chuyển hóa.
Chị Nguyễn Thùy, 47 tuổi (Ngô Quyền, Hải Phòng) được chẩn đoán gan nhiễm mỡ do rối loạn chuyển hóa trong một lần siêu âm kiểm tra sức khỏe cách đây hơn 20 năm. Khi đó chị cũng rất gầy, chỉ nặng dưới 40 kg. Chị Thùy cũng không nghiện rượu bia, không ăn được đồ ăn béo, mỡ, là người thích ăn rau xanh và tôm cá... Kết quả siêu âm cách đây 1 tháng cho thấy hình ảnh gan nhiễm mỡ độ 1. Bác sĩ cho biết chị không cần phải sử dụng thuốc gì vì không có thuốc để trị gan nhiễm mỡ, tuy nhiên cần tiếp tục duy trì chế độ sinh hoạt ăn uống lành mạnh, khoa học, tích cực vận động...
Trước đây, theo quan niệm cũ, mọi người thường cho rằng bệnh gan nhiễm mỡ chia thành 2 loại là gan nhiễm mỡ do rượu và gan nhiễm mỡ không do rượu. Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu thường tỷ lệ thuận với tình trạng béo phì và hội chứng chuyển hóa ở đa số các bệnh nhân. Vì vậy, các khuyến cáo mới nhất đã giới thiệu một khái niệm mới rộng hơn, đúng hơn về bản chất đó là gan nhiễm mỡ liên quan đến chuyển hóa.
Theo PGS.TS.BS Đào Việt Hằng - Giảng viên Bộ môn Nội tổng hợp, Trường Đại học Y Hà Nội, hiện nay bệnh lý gan nhiễm mỡ liên quan đến rối loạn chuyển hóa là bệnh lý phổ biến và gia tăng. Bệnh gan nhiễm mỡ không chỉ liên quan đến virus viêm gan B, C mà còn liên quan đến béo phì, rối loạn chuyển hóa, đái tháo đường…
Ở người bình thường, lượng mỡ trong gan chỉ chiếm từ 2-4% trọng lượng của gan. Khi lượng mỡ trong gan lớn hơn 5% thì được gọi là gan nhiễm mỡ. Các bệnh lý liên quan đến chuyển hóa như béo phì, thừa cân, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu… sẽ làm tăng tình trạng lắng đọng mỡ tại gan và gây ra gan nhiễm mỡ. Điều này làm cản trở hoạt động bình thường, chức năng của gan và nếu không quản lý bệnh dẫn đến nặng hơn thì gây nên các rối loạn chuyển hóa cơ thể.
Chế độ ăn Địa Trung Hải tốt cho người bệnh gan nhiễm mỡ
PGS. Đào Việt Hằng cho biết: Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, khi có sự thay đổi chế độ về dinh dưỡng sang hướng phương Tây hóa cũng cho thấy ở các chuyên ngành như nội tiết, dinh dưỡng thì tỷ lệ bệnh nhân béo phì, tỷ lệ bệnh nhân rối loạn mỡ máu, đái tháo đường tăng lên rất nhiều.
Hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị y tế nào cho bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Vì vậy, việc điều chỉnh một chế độ ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc và tập thể dục thường xuyên là những cách tốt nhất để ngăn ngừa tổn thương gan bắt đầu hoặc đảo ngược bệnh gan nhiễm mỡ khi nó ở giai đoạn đầu.
TS. Annie Guinane, một chuyên gia dinh dưỡng đã được cấp phép tại Phòng khám bệnh gan nhiễm mỡ và chuyển hóa của Đại học Y khoa Chicago (Hoa Kỳ) cho biết các chuyên gia thường khuyên những bệnh nhân mắc gan nhiễm mỡ không do rượu uống từ 1-3 tách cà phê mỗi ngày, ăn 4 thìa dầu ôliu mỗi ngày và thực hiện chế độ ăn Địa Trung Hải, trong đó nhấn mạnh chủ yếu là ăn thực phẩm có nguồn gốc thực vật và chất béo lành mạnh.
Chế độ ăn Địa Trung Hải là một chế độ ăn kiêng nổi tiếng đã trở nên phổ biến kể từ những năm 1990, được biết đến nhiều với tư cách là một mô hình ăn uống hơn là một chế độ ăn kiêng có yêu cầu chặt chẽ.
Chế độ ăn Địa Trung Hải nhấn mạnh việc ăn trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, đậu, quả hạch, các loại đậu, dầu ôliu, các loại thảo mộc và gia vị có hương vị; cá và hải sản ít nhất một vài lần một tuần; thịt gia cầm, trứng, pho mát và sữa chua ở mức vừa phải, đồng thời để dành đồ ngọt và thịt đỏ cho những dịp đặc biệt.
- Cà phê: caffeine có thể làm giảm lượng men gan bất thường ở những người có nguy cơ mắc bệnh gan.
- Các loại rau xanh: đây là loại thực phẩm tốt cho những người mắc gan nhiễm mỡ, có tác dụng làm giảm lượng cholesterol trong máu và tế bào gan.
- Cá béo: chế độ ăn Địa Trung Hải khuyến khích ăn thường xuyên một số loại cá như cá hồi, cá mòi, cá ngừ,… rất giàu axit béo omega-3. Omega-3 giúp cải thiện lượng mỡ trong gan và chống viêm hiệu quả.
- Dầu ôliu: Rất giàu axit béo omega-3 giúp làm giảm mức độ men gan và kiểm soát cân nặng phù hợp.
- Trái cây: Thường xuyên ăn các loại trái cây như chanh, cam, quýt, bưởi, táo chín,… vì chúng đều giàu vitamin, khoáng chất, chất xơ, có tác dụng làm giảm lượng mỡ trong máu và tế bào gan.
Ngoài việc tốt cho những người mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, chế độ ăn Địa Trung Hải có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đồng thời nó cũng được chứng minh là làm giảm huyết áp và cholesterol xấu LDL. Chế độ ăn này có xu hướng phù hợp với hướng dẫn dinh dưỡng của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ. Điều đó quan trọng vì cả bệnh tim và đái tháo đường đều là những yếu tố nguy cơ liên quan chặt chẽ đến bệnh gan nhiễm mỡ.
Lời khuyên của chuyên gia để bảo vệ lá gan khỏe mạnh
PGS.TS Đào Việt Hằng cho rằng, hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đích cho bệnh gan nhiễm mỡ. Biện pháp kiểm soát cơ bản và quan trọng nhất dành cho người bệnh gan nhiễm mỡ liên quan đến chuyển hóa là giảm cân thông qua sự kết hợp giữa việc tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, xây dựng chế độ ăn uống và tập luyện hợp lý và khoa học.
Người bệnh gan nhiễm mỡ nên duy trì tập thể dục thường xuyên (tập 120 - 150 phút/tuần với cường độ từ trung bình đến cao). Một chế độ ăn uống nhiều dầu mỡ và các món chiên, xào, hay một chế độ ăn sử dụng nhiều tinh bột cũng có thể gây ra bệnh gan nhiễm mỡ, bởi vậy nên hạn chế.
Nếu người bị gan nhiễm mỡ đang điều trị bệnh mà vẫn sử dụng bia rượu thì sẽ không đạt được hiệu quả mong muốn. Ngoài ra, không chỉ người đã nhiễm bệnh mà những người bình thường cũng cần hạn chế sử dụng bia, rượu và các chất kích thích
Nếu như không biết cách chọn thực phẩm, có thể nhờ sự tư vấn dinh dưỡng từ chuyên gia dinh dưỡng hoặc bác sĩ điều trị tư vấn thực đơn dinh dưỡng phù hợp nhất. Điều này giúp đảm bảo về mặt dinh dưỡng, sức khỏe và khả năng hồi phục bệnh.